“Thầy Trang mặc áo vải to mà có chỗ vá, nối đai, buộc giày mà sang chơi vua nước Ngụy.
Vua Ngụy hỏi:
- Sao tiên sinh cùng đến thế?
Thầy Trang nói:
- Nghèo thôi, không phải cùng đâu! Kẻ sĩ: có đạo đức mà làm không được là cùng; áo rách, giày thủng là nghèo chứ không phải là cùng. Thế này tức gọi là không gặp thời. Riêng nhà vua chẳng thấy con vượn nhảy nhót sao? Khi nó được lim, trai, sến, táu, vin với các cành, mà làm chúa ở trong đó, thì tuy Nghệ hay Bàng Mông (hai người nổi tiếng bắn giỏi) không thể ngấp nghé được. Đến khi ở vào giữa đám luầng quầng, canh châu; đi rón rén, nhìn lấm lét; động thì run sợ… Đó không phải là gân xương có thêm cứng mà không mềm đâu: ở vào thế không tiện, chưa đủ để tỏ tài mình vậy. Nay ở giữa khoảng vua ngu, tướng nhảm, mà muốn không cùng, có dễ được sao?”
― Cây núi, Nam Hoa kinh
Nam Hoa kinh luôn được coi như tác phẩm sâu sắc, uyên áo bậc nhất trong số các trước tác triết học Trung Hoa. Tác phẩm bất hủ này có một ảnh hưởng lớn lao đến triết lí, văn chương, nghệ thuật... suốt trong nhiều thời đại ở cả trong lẫn ngoài Trung Hoa, và khiến tác giả của nó, Trang Tử, từ lâu đã trở thành một huyền thoại. Ở Việt Nam, Nam Hoa kinh được học giả Nhượng Tống dịch từ 1945, khá sớm so với nhiều tác phẩm kinh điển khác. Qua bản tiếng dịch tiếng Việt hàm súc, khúc chiết mà vẫn bay bổng, tài hoa của ông, Nam Hoa kinh thật sự là một trước tác luôn cần được đọc và đọc lại.